Hanetsuki - Cầu Lông Kiểu Nhật Vừa Quen Thuộc Vừa Lạ Lẫm

13-10-2022 14:31:12

 

Nếu bạn đã từng xem bộ phim hoạt hình Doraemon (hay Đôrêmon) nổi tiếng của Nhật Bản, chắc hẳn bạn còn nhớ tập phim cậu bé Nobita chơi cầu lông với các bạn nữ và để thua, bị các bạn quệt mực vẽ lên khuôn mặt của mình. Bộ môn vừa lạ vừa quen của Nhật Bản có tên Hanetsuki, bộ môn cầu lông kiểu Nhật, rất phổ biến ở xứ sở hoa anh đào.

1. Lịch sử hình thành của Hanetsuki - Cầu lông kiểu Nhật Bản.

Hanetsuki xuất hiện từ thời Muromachi (1333 – 1568). Đây là một trò chơi thường chơi vào dịp đầu năm mới, bắt nguồn từ trò chơi “Giccho” (tương tự với môn Khúc côn cầu ngày nay), ai di chuyển banh vào khung thành của đối phương trước sẽ thắng. Cây gậy này đã trở thành vợt cầu lông, và quả banh gỗ đã trở thành trái cầu lông. trái cầu trong bộ môn cầu lông kiểu Nhật, được làm từ hạt quả bồ hòn đính lông động vật xung quanh. Vào thời đại Muromachi, trò chơi này được tầng lớp quý tộc ưa chuộng. Những đại hội thi đấu cầu lông sôi động cũng được tổ chức rộng rãi trong thời kỳ này.

Sau khi bước vào thời đại Edo, môn thể thao này đã bắt đầu lan rộng đến tầng lớp dân thường. Vào những dịp cuối năm, những chiếc vợt được xem là quà may mắn và gửi tặng đến các gia đình có bé gái. Chính vì vậy, cầu lông truyền thống đã trở thành trò chơi tiêu biểu trong những dịp lễ tết. Việc gõ cửa nhà và chơi cầu lông đầu năm có ý nghĩa xua đuổi tà ma và giải trừ điềm xấu.

  

2. Những dụng cụ cần thiết để chơi cầu lông kiểu Nhật

 Để chơi được hanetsuki chúng ta cần có 2 dụng cụ chính:

2.1. Vợt cầu lông

Được bọc bằng vải vẽ 

Hai vật dụng là chiếc vợt có cán hình chữ nhật được gọi là hagoita (phía bên trái trong hình) và quả cầu lông có đế cầu hình tròn màu đen được gọi là hane (phía bên phải trong hình) được sử dụng trong trò chơi hanetsuki. Cầu lông kiểu Nhật có hai loại vợt: một loại có hình đơn giản thường được dùng trong trò chơi, loại còn lại chỉ được dùng để trang trí và có ý nghĩa mang lại may mắn và sự trưởng thành cho các bé gái. Loại này còn được dùng để trang trí trong các cửa tiệm và thường được gọi là “Oshie hagoita”(押絵羽子板)

 

Vợt oshie hagoita được làm thủ công rất cầu kỳ. Những hình trang trí được cắt tạo hình trên các tấm giấy dày, nhồi bông vào trong và sau đó được bọc bởi những mảnh vải đẹp và dán lên tấm vợt. Và những hình trang trí này thường khắc hoạ lại những nhân vật nổi tiếng thời Edo ví dụ như những nghệ sĩ kịch Kabuki.

Oshie hagoita được ghép từ 3 miếng gỗ để thêm phần chắc chắn cho phần mặt vợt. Ở phía sau được in hình quả mơ, hoặc những hình khác có ý nghĩa mang đến hạnh phúc và vận may. Oshie hagoita là loại sản phẩm đặc trưng của thành phố Kasukabe, tỉnh Saitama và những người thợ thủ công nơi đây vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống làm oshie hagoita gìn giữ truyền thống thời xa xưa của các ông cha.

Set vợt hagoita dùng để chơi thường dao động với giá 1000 – 2000 yên, còn những chiếc oshie hagoita có thể lên tới từ 1000 yên đến 60,000 yên đó.

2.2. Quả cầu lông:

Ở cầu lông kiểu Nhật - hanetsuki, hạt màu đen được gắn với quả cầu này được làm từ hạt quả bồ hòn của cây mukorossi, trong tiếng Nhật là 無患子(mukoroji), và còn được hiểu với ý nghĩa là “những đứa trẻ không bị đau ốm”.

Hàng năm từ 17-19/12, lễ hội hagoita ichi được tổ chức tại đền Sensoji (Asakusa) thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan. Tại đây bạn có thể tha hồ thỏa sức chọn lựa những chiếc vợt oshie hagoita mà bạn thích nhất tại các cửa hàng khác nhau. Trong một năm đó nhân vật nào có sức ảnh hưởng nhất sẽ được chọn để làm hình ảnh chính trong lễ hội.

3. Cách chơi Hanetsuki:

Hanetsuki có hai cách chơi: một là Oibane (追羽根) dành cho hai người chơi đối kháng nhau, hai là agehane(揚羽根) dành cho một người chơi khi họ sẽ thi xem ai tâng được cầu mà không để cầu rơi xuống đất nhiều hơn. Đối với trò Oibane, người nào không đỡ được cầu và để cầu rơi xuống đất sẽ bị quệt mực đen lên mặt. Tuy nhiên, việc quệt mực đen lên mặt còn có ý nghĩa trừ tà đầu năm nên đừng lo nếu bạn có lỡ bị thua nhé.

3.1. Cách chơi Oibane:

Hai người đứng đối diện và cách nhau một khoảng nhất định, mỗi người cầm một chiếc vợt

Lần lượt đánh cầu về phía đối phương và ngược lại

Cứ tiếp tục cho đến khi người kia không đỡ được cầu

Người thua sẽ bị vẽ lên mặt bằng mực đen

3.2. Cách chơi agehane:

Cầm vợt và cầu lông

Đếm số lần tâng cầu mà không để cầu rơi xuống đất. Ở nhiều địa phương, người chơi còn vừa tâng cầu vừa hoà theo điệu nhạc.

Hy vọng bài viết trên đã giúp cho các bạn mở mang hơn về các dạng biến thể của cầu lông đồng thời tiếp thu được nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Chúc các bạn có thêm kiến thức và có thêm những thời gian vui vẻ đọc bài.

Danh mục tin tức
Danh mục sản phẩm

Giỏ hàng